Thị trường bất động sản 2021: Cơ hội rộng mở

Tin thị trường địa ốc

16/03/2021

Thị trường bất động sản 2020 khép lại dù còn những khúc quanh nhưng không vì thế mà thiếu cơ hội, trái lại còn rộng mở hơn, nhất là với doanh nghiệp có tiềm lực và tầm nhìn dài hạn.


Tiếp tục tập trung vào thị trường ngách…


Là một trong những doanh nghiệp sớm chuyển hướng sang thị trường ngách từ 2 năm trước, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết, mục tiêu hàng đầu của Công ty trong năm 2021 là tiếp tục tập trung vào những thị trường trọng yếu như Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Dương, Vũng Tàu…

Trong năm qua, Phát Đạt đã thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển khu công nghiệp Phát Đạt để đầu tư vào lĩnh vực giàu triển vọng là bất động sản công nghiệp nhằm đón đầu xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam.

Đồng thời, nhận chuyển nhượng 99% vốn góp tại Công ty cổ phần Bến Thành - Long Hải, đơn vị sở hữu dự án Wyndham Tropicana Long Hải, Khu du lịch Bến Thành - Long Hải và Villa Long Hải ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Thương vụ này đánh dấu sự quay trở lại phân khúc bất động sản du lịch của Phát Đạt.

Cũng nhằm đón đầu cơ hội mới từ thị trường ngách, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, trong năm nay sẽ tiếp tục “đánh bắt xa bờ” với việc đẩy mạnh triển khai một loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận… như dự án Aqua City, Novaworld Phan Thiet, Novaworld Hồ Tràm, NovaHills Mũi Né và Victoria. Trong đó, Aqua City là dự án mang lại lợi nhuận chính nhờ hoạt động bán hàng tích cực.
 
 
Năm nay, Novaland sẽ tiếp tục “đánh bắt xa bờ”.

Chia sẻ về chiến lược hoạt động năm 2021, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính của Novaland cho biết, ngoài việc triển khai các dự án hiện hữu, kế hoạch mua lại các dự án được đẩy mạnh để tích lũy thêm quỹ đất ở các vùng có tiềm năng phát triển.

Theo ông Phiên, trong năm 2020, Novaland đã hoàn tất nhiều giao dịch mua lại các khu đất lớn ở Đồng Nai và các tỉnh, thành phố lân cận với tổng giá trị giao dịch lên tới gần 1 tỷ USD.

Không chỉ các chủ đầu tư phía Nam, nhiều nhà phát triển bất động sản phía Bắc đã và đang tập trung nguồn lực để phát triển phân khúc thị trường ngách. Đơn cử, vào cuối tháng 12/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum cho biết, UBND tỉnh này đã chấp thuận về mặt chủ trương phương án triển khai một dự án khách sạn, resort nghỉ dưỡng quy mô lớn tại Kon Tum của Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam.

“Ở đâu có quỹ đất, có nhu cầu, thì ở đó có đầu tư. Trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp không sợ thiếu tiền, mà chỉ lo thiếu tầm nhìn dài hạn”, ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphanam nói và chia sẻ thêm, trong kế hoạch dài hơi, Kon Tum chỉ là một trong nhiều điểm đến tiềm năng, bởi Alphanam đang triển khai nhiều dự án tại Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Đà Nẵng, Bình Định, An Giang...
" Ở đâu có quỹ đất, có nhu cầu, thì ở đó có đầu tư. Trong hoạt động đầu tư, doanh nghiệp không sợ thiếu tiền, mà chỉ lo thiếu tầm nhìn dài hạn.

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Alphanam "
Trong đó, quy mô nhất là dự án Khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và phụ trợ hồ Thác Bà tại Yên Bái với diện tích gần 2.600 ha, tổng vốn đầu tư xấp xỉ 5.000 tỷ đồng .

Với TNR Holdings, nhà phát triển bất động sản này cũng đang vươn tầm với ra nhiều địa phương tỉnh lẻ, đặc biệt tại khu vực phía Bắc.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhóm doanh nghiệp liên quan đến TNR Holdings đã góp mặt tại hàng chục phiên đấu giá đất bằng cả hình thức đấu giá đơn lẻ hoặc cùng liên kết với nhau tại Phú Thọ, Hòa Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An… để tích lũy quỹ đất.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo TNR Holdings, việc hướng tới các thị trường ngách này là để đón đầu triển vọng tăng trưởng cao trong tương lai, bởi đây đều là những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, chi phí đầu tư tương đối rẻ. Cùng với đó, hạ tầng giao thông kết nối với Hà Nội ngày một phát triển, giúp việc đi lại thuận tiện, dễ dàng hơn.

Vị này cũng lưu ý nhu cầu nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM luôn ở mức rất cao, tuy nhiên, vướng mắc hiện nay về pháp lý đang là rào cản cho việc phát triển dự án của doanh nghiệp, do đó, trước mắt, việc dịch chuyển các dự án ra đô thị tỉnh lẻ vùng ven là chiến lược của doanh nghiệp để tồn tại, thích ứng linh hoạt trong thời kỳ khó khăn. Khi các yếu tố vướng mắc về pháp lý được tháo gỡ, chắc chắc các doanh nghiệp bất động sản sẽ tự động quay lại phát triển thị trường này.

… để lan tỏa trở lại thị trường chính


Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của DKRA Vietnam cho rằng, việc khó ra hàng ở các dự án hiện hữu cũng như dự án mới cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, các doanh nghiệp địa ốc cũng nhanh chóng nhận ra rằng, cần phải thay đổi chiến lược kinh doanh, thay đổi sản phẩm để nhắm trúng nhu cầu của người mua và dịch chuyển ra các tỉnh, thành phố lân cận khu vực trung tâm để phát triển dự án được tính đến.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Tập đoàn Kosy cho biết, năm 2021, sự lan tỏa tới các thị trường bất động sản tỉnh lẻ sẽ còn được duy trì nhờ hạ tầng giao thông kết nối từ Hà Nội hay TP.HCM tới các tỉnh lân cận được mở rộng và hoàn thiện, từ đó cho phép nhà đầu tư hướng tầm nhìn xa hơn trong dài hạn.

Theo vị này, bất động sản tỉnh lẻ là “sân chơi” giàu tiềm năng nên thu hút sự chú ý của cả doanh nghiệp lớn và nhỏ.

Chính sự nhập cuộc của những doanh nghiệp bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh cùng tư duy phát triển hiện đại đã kéo theo làn sóng các nhà đầu tư nhỏ, bám đất và hưởng lợi sau khi các dự án được đưa ra thị trường.

Tại nhiều địa phương, giá đất tăng chóng mặt từ 30 - 50% chỉ sau một thời gian ngắn mở bán khi nhà đầu tư ồ ạt kéo về.

“Tất nhiên, các doanh nghiệp vẫn "giương hết ăng ten" để nghe ngóng cơ hội ở các thị trường truyền thống, bởi nhu cầu ở Hà Nội, TP.HCM luôn rất lớn, đặc biệt là nhu cầu ở thực”, vị này nói.

Theo ghi nhận của trang Batdongsan.com.vn, trong năm 2020, do nguồn cung các sản phẩm mới hạn chế nên xu hướng dòng tiền chảy nhiều hơn vào kênh thứ cấp với các sản phẩm sử dụng trong khoảng 1 - 2 năm. Vì thế, khi nguồn cung gia tăng, hai thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM sẽ sôi động trở lại.

Tại báo cáo mới nhất, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) duy trì quan điểm, bất động sản vẫn nằm trong nhóm kênh đầu tư hấp dẫn nhất nhờ tầng lớp thu nhập trên trung bình và dân số thành thị gia tăng nhanh, giúp cải thiện cả sức cầu lẫn sức mua. Bên cạnh đó, các yếu tố dẫn dắt tăng trưởng bất động sản nhà ở được đảm bảo, bao gồm cơ sở hạ tầng cải thiện, quy mô hộ gia đình trung bình giảm và tỷ lệ thâm nhập của thị trường cho vay mua nhà thế chấp tăng.

Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia của FiinPro cũng đánh giá, ngành bất động sản ước tăng trưởng khoảng 22,4% trong quý IV/2020, giúp củng cố nền tảng thị trường trong năm 2021.

Ngoài ra, Nghị định 148/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 8/2/2021 sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc cho nhiều dự án có đất công xen kẹt, qua đó tái khởi động nhiều dự án bị tạm dừng trong thời gian vừa qua, góp phần cải thiện nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là phân khúc nhà ở trung cấp.

Theo dự báo của ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị dự án nhà ở của CBRE Việt Nam, năm 2021, thị trường TP.HCM sẽ đón nhận khoảng 17.500 căn hộ mới, tăng 14% so với năm 2020 và Hà Nội là 25.200 căn hộ, tăng 66%. Theo đó, mức giá căn hộ trung bình tại TP.HCM sẽ tăng khoảng 5%, lên mức 46 triệu đồng/m2, còn Hà Nội đi ngang ở vùng giá khoảng 32 triệu đồng/m2.
 
 
 

 

Các tin khác
GEO: 10.790366, 106.649342
Sàn giao dịch Bất động sản - hacomland.com
Work:
info@hacomland.com
Ho Chi Minh City, HCMC 700000
Vietnam
Cell: 091.514.3365
Sàn giao dịch Bất động sản - hacomland.com Sàn giao dịch Bất động sản - hacomland.com | hacomland.com
Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh Ho Chi Minh City, HCMC Vietnam
700000
info@hacomland.com
Điện thoại: 091.514.3365 T2-T7 8am - 5:30pm hacomland.com VND200000 - VND500000

Bất động sản Thành Đông Ninh Thuận

Sàn giao dịch Bất động sản - hacomland.com - Mua bán, rao vặt