Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, bất chấp những khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra, giá bất động sản vẫn tăng mạnh. Đặc biệt những tháng đầu năm, hiện tượng tăng giá này diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện những cơn nóng sốt tại nhiều nơi trên phạm vi cả nước. Ông Hà cho rằng có 2 nguyên nhân đã gây nên cơn sốt đất thời gian qua. Thứ nhất, sau vàng và chứng khoán thì bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn cho việc bảo toàn và gia tăng giá trị tài sản. Thứ hai, các thành phố lớn vẫn tiếp tục đối mặt với sự khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung khiến giá bất động sản tăng cao.
Một kịch bản chung cho các cơn sốt đất thời điểm đầu năm là ăn theo các thông tin quy hoạch như đề xuất sân bay, đường cao tốc, siêu dự án. Thế nhưng đáng chú ý, cơn "sốt" lần này không chỉ đến từ các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch. Ngay cả đất thổ cư trong làng xóm, đất nông nghiệp, đất trồng rừng... cũng tăng giá chóng mặt.
Ông Hà nhấn mạnh những cơn "sốt đất" không chỉ tàn phá kinh tế, xã hội, công ăn việc làm của người dân… Do đó, Nhà nước và lãnh đạo địa phương phải quan tâm và kiểm soát sát sao thực trạng này.
Các chuyên gia đã đưa ra các lý giải về cơn sốt đất nền đầu năm
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng một nguyên nhân khác dẫn đến các cơn sốt đất là do tác động của Luật Đất đai 2013 mở rộng quy định về phân lô bán nền. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, hình thức phân lô bán nền là để giải quyết nhà ở đô thị, không đưa vào thương mại. Thế nhưng tại Việt Nam, việc đưa phân lô bán nền vào thương mại đã đẩy giá đất tăng cao và gây nên những cơn sốt đất. Ông Võ nhấn mạnh đầu tư bất động sản đợi tăng giá rồi bán đi là một hành động làm hại nền kinh tế. Việc đầu tư phải khai thác giá trị đầu tư trên đất mới mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Trên thực tế, từ năm 2016-2020, trong khoảng thời gian này, Chính phủ đã chỉ thị 4 lần về sửa đổi Luật Đất đai. Nhưng đến nay, Luật Đất đai vẫn chưa được sửa. Những bất cập lớn của Luật Đất đai đang cản trở sự phát triển của kinh tế Việt Nam. “Tôi cho rằng có lẽ phải đến 2023, Bộ Luật này mới có thể thực hiện sửa”, ông Võ cho biết.
Cũng tại tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, năm 2020, lĩnh vực xây dựng có sự tăng trưởng tốt. Giá trị gia tăng toàn ngành là 6,5%, đóng góp một tỉ trọng không nhỏ trong GDP. Giá chứng khoán của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết tăng 27% trong năm 2020 và đến thời điểm hiện tại là quý 1/2021, giá chứng khoáng tăng 31%. Điều này cho thấy lĩnh vực bất động sản và xây dựng tương đối khả quan. Ông Lực dự báo đến hết quý 1/2021, do tác động từ sốt đất, cổ phiếu bất động sản sẽ tăng khoảng 15%. Còn với lĩnh vực xây dựng, năm ngoái đã có sự tăng trưởng rất tốt, toàn ngành giá trị tăng 6,5%, góp phần quan trọng trong GDP.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào bất động sản Việt Nam cũng tăng mạnh trong năm qua. Năm 2020, vốn đăng ký mới vào bất động sản đạt 2,3 tỷ USD. Xu hướng nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, mua bất động sản trong năm 2020 cũng tăng rất mạnh. Trong đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần chiếm 26% tổng vốn góp mua cổ phần của toàn quốc, đạt khoảng 2 tỷ USD. Nguồn vốn này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
( Theo Duy Bách / Thanhnienviet )